Làn da đẹp không tỳ vết là ước muốn của bất cứ ai nhưng thời gian cứ “gọi đến” các nếp nhăn, vết chân chim, chấm đồi mồi… các dấu hiệu của “tuổi già”. Để hiểu rõ hơn về quá trình lão hóa và cách chống lão hóa theo từng độ tuổi, mời các bạn cùng nghiên cứu bài viết dưới đây.
Lão hóa và nguyên nhân gây lão hóa da
Lão hóa là gì?
Theo tư liệu của Đại học Barcelona, Tây Ban Nha, lão hóa không thể được định nghĩa một cách chính xác, nhưng người ta thường chấp nhận rộng rãi nhất một khái niệm cho rằng: Lão hóa là một phần của vòng đời - tức là một người được sinh ra, trải qua thời thơ ấu, thanh thiếu niên và trưởng thành, rồi đến một thời điểm nhất định, họ bắt đầu già đi. Do đó, đây là một quá trình tất yếu của đời người.
Ở cấp độ sinh học, theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, lão hóa là kết quả của việc tích tụ nhiều loại phân tử cũng như tế bào bị tổn thương theo thời gian. Điều này dẫn đến những suy giảm về thể chất và tinh thần, tức là theo năm tháng, nguy cơ bệnh tật ngày càng hiện hữu.
Theo trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia Hoa Kỳ Medline+, một trong những dấu hiệu lão hóa dễ nhận thấy nhất là những thay đổi trên cơ quan lớn nhất của cơ thể - da. Lão hóa da là sự suy giảm chất lượng của da về cấu trúc và chức năng theo thời gian. Đây là một quá trình phức tạp chịu ảnh hưởng của cả yếu tố nội sinh lẫn ngoại sinh.
Nguyên nhân gây lão hóa da
Yếu tố nội sinh hay nội tại, là các yếu tố bên trong cơ thể gây nên tiến trình lão hóa, gồm yếu tố di truyền, sự thay đổi của các Hormone, chuyển hóa tế bào, quá trình trao đổi chất, tình trạng bệnh lý sẵn có…. Nhóm nguyên nhân này là khó có thể thay đổi và tránh khỏi.
Trong khi đó, yếu tố ngoại sinh là nhóm có thể phòng ngừa được. Tiếp xúc với ánh sáng kéo dài mà không bảo vệ hay che chắn da kỹ, ô nhiễm môi trường, bức xạ ion hóa, hóa chất, độc tố… là những yếu tố bên ngoài tham gia và thúc đẩy lão hóa da.
Sự kết hợp giữa các nguyên nhân cả “trong” và “ngoài” như trên sẽ dẫn đến những thay đổi tiến triển và tích lũy ở từng lớp da, ngay cả trên bề mặt da, nhất là những vùng da chịu nhiều tác động của ánh nắng mặt trời. Vậy cơ chế và diễn tiến của sự đổi thay này là như thế nào?
Như bạn cũng đã biết, da chúng ta bao gồm ba lớp từ trên xuống dưới là: Lớp thượng bì với tế bào chính là tế bào sừng (Keratinocyte); lớp trung bì có nhiều mạch máu, thần kinh, tuyến ống và các sợi chống đỡ cho da như sợi keo (Collagen fiber), sợi chun (Elastin Fiber), Glycosaminoglycans (GAGs)…; cuối cùng là lớp bì – kho trữ mỡ lớn nhất với chủ yếu là mô mỡ dưới da. Trong đó, thành phần Collagen, Elastin và GAGs của lớp trung bì đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống “chống đỡ”, định khung và tạo đàn hồi cho da.
Collagen là một sợi dai, bền và không dễ căng, giúp giữ các tế bào da lại với nhau, cung cấp sức mạnh cho da. Elastin cũng là một protein dạng sợi giống Collagen, nhưng Elastin có tính giãn nở và độ đàn hồi cao nên nó sẽ giúp da căng mọng và mềm mại. Còn GAGs cũng “sắm vai” là nhân tố duy trì và làm cân bằng các sợi protein cũng như dưỡng ẩm cho da.
Theo thư viện Y khoa Hoa Kỳ, hàm lượng Collagen tổng thể trên một đơn vị diện tích bề mặt da suy giảm khoảng 1% / năm, tương tự người ta cũng ghi nhận sự giảm đi của các sợi Elastin và GAGs theo thời gian. Cùng với đó, lớp mỡ dưới da cũng ít dần, các tuyến mồ hôi và hệ thống mao mạch cũng vơi bớt, điều này khiến cho da không được cung cấp đủ ẩm, dưỡng chất, da sẽ chùng xuống, nhăn và nhão. Ngoài ra, lâu dần, chức năng chống oxy hóa của da cũng bị hao hụt và khi da chịu tác động kéo dài của ánh nắng mặt trời, ô nhiễm môi trường, hóa chất, khói thuốc… các gốc tự do từ đây sẽ dễ dàng làm thoái hóa các sợi Collagen và Elastin.
Tóm lại, với sự “can thiệp” từ cả yếu tố nội và ngoại sinh, theo thời gian sẽ khiến lượng Collagen, Elastin, GAGs, mô liên kết cũng như cấu trúc, sinh lý của da thay đổi. Khi đó, quá trình lão hóa da sẽ xảy đến và dẫn tới những biến đổi có thể quan sát được như:
- - Rối loạn sắc tố da: Tùy mức độ mà bạn có thể thấy da xỉn màu, mất đi vẻ trắng hồng rạng rỡ hay có những đốm tăng, giảm sắc tố xen kẽ nhau – ta thường gọi là đốm đồi mồi.
- - Bề mặt da thô ráp: Vì không còn được cung cấp dưỡng chất và nước cần thiết cũng như sự gia tăng các tế bào da chết trên bề mặt và giảm sự tái tạo da nên da bạn sẽ trông thô ráp và có xu hướng khô, không được mềm mượt nữa.
- - Da chảy xệ, nhiều nếp nhăn: Khi hệ thống định khung cấu trúc da ngày càng “yếu” đi vì sụt giảm số lượng, việc làn da của bạn không còn căng chắc và đàn hồi như trước là điều khó có thể tránh khỏi.
Mặc dù hiện tại, các nghiên cứu về việc làm chậm hoặc dừng lại quá trình lão hóa da do các nguyên nhân nội sinh vẫn còn nhiều bỏ ngỏ cũng như chưa có một phương pháp hữu hiệu nào, nhưng bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa tình trạng lão hóa da do các tác động từ môi trường thông qua các cách chống lão hóa theo từng độ tuổi dưới đây.
Nguyên tắc “chống lão hóa” cho tất cả mọi người
Trước hết, dù bạn ở bất cứ độ tuổi nào thì cũng nên “nằm lòng” các bước chăm sóc da dưới đây để hạn chế tối ưu tốc độ lão hóa da. Theo khuyến cáo của Hội Da liễu Hoa Kỳ (AAD), bạn nên:
- - Bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời: Hãy chọn những con đường râm mát, che chắn da bằng quần áo dài, mũ rộng vành, găng tay hay đeo một cặp kính râm có khả năng chống UV. Bạn cũng cần sử dụng kem chống nắng phổ rộng có SPF từ 30 trở lên và chống nước.
- - Tránh biểu cảm “một màu”: Khi bạn liên tục lặp lại một trạng thái cảm xúc trên mặt ví dụ như nhăn trán, cau mày… lâu dần các vị trí đó sẽ để lại nếp nhăn, có thể là vĩnh viễn. Chính vì vậy, thả lỏng và linh hoạt cơ mặt vừa giúp bạn thần thái hơn vừa giúp hạn chế sự xuất hiện không mong muốn của các dấu hiệu tuổi tác.
- - Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học: Hãy từ bỏ thuốc lá và rượu bia như cách bạn từ chối nạp các gốc tự do vào người. Thay vào đó, bạn hãy nạp những thực phẩm giàu chất xơ, Vitamin, khoáng chất và uống nhiều nước. Hãy ngủ sớm để làn da có thời gian phục hồi và tái tạo chuyên sâu. Và đừng quên tập luyện thể dục thường xuyên, các ống tuyến dưới da sẽ được thanh lọc, hệ thống tuần hoàn mao mạch sẽ được tăng cường còn bạn sẽ có làn da khỏe, sạch và săn chắc.
- - Đầu tư vào các mỹ phẩm chăm sóc da: Giống như tục ngữ có câu: “Có làm thì mới có ăn”, có chịu khó chăm sóc thì da của bạn mới có đủ sức mạnh chống lại tiến trình lão hóa. Việc giữ làn da sạch và cung cấp độ ẩm đầy đủ là điều kiện tiên quyết giúp cho làn da của bạn kéo dài vẻ đẹp.
Tuy vậy, ở mỗi độ tuổi, làn da của bạn sẽ có những đặc điểm, những “ổ khóa” đặc biệt cần các “chìa khóa”, các cách chống lão hóa riêng biệt, cụ thể hơn.
Cách chống lão hóa theo từng độ tuổi cụ thể
Thông thường, ta có thể chia thành 4 độ tuổi:
Giai đoạn tuổi từ 20 đến 30
Đây vẫn đang là giai đoạn “thanh niên”, giai đoạn của sức trẻ. Tuy rằng làn da có thể gặp các vấn đề về mụn xong nhìn chung, đây lại là lúc bạn thấy da chắc khỏe, tươi trẻ và rất ít thấy sự hiện diện của nếp nhăn.
Theo Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, trong khoảng thời gian này, bạn cần tập trung dưỡng ẩm cho làn da. Sử dụng kem dưỡng ẩm để cung cấp đầy đủ và duy trì độ ẩm cho làn da luôn căng mọng, đàn hồi. Bạn cũng đừng quên lựa chọn sữa rửa mặt có thành phần dịu dàng để vừa giữ làn da sạch mà vừa không lo bị kích ứng. Ngoài ra, ở độ tuổi này, bạn có thể cân nhắc bổ sung các dưỡng chất chống oxy hóa hữu hiệu như Vitamin C, Vitamin E hay AHAs…
Bên cạnh đó, việc uống đủ nước là một bước cấp ẩm vô cùng quan trọng để ngăn ngừa lão hóa da. Theo khuyến cáo của WHO, mỗi người mỗi ngày nên uống 40ml nước trên mỗi kg thể trọng, ví dụ bạn nặng 50kg thì nên uống 2 lít nước mỗi ngày. Điều này sẽ đảm bảo nguồn cung nước đầy đủ cho các tế bào và cơ quan trong cơ thể.
Giai đoạn tuổi từ 25 đến 35
Vào những năm 30 tuổi, hàng rào bảo vệ da ngày càng yếu, các quá trình trao đổi chất của tế bào da bắt đầu chậm lại, độ đàn hồi và độ ẩm cũng bắt đầu giảm. Ở giai đoạn này, các dấu hiệu lão hóa chưa thể hiện rõ rệt, do đó có thể bạn sẽ còn chủ quan với việc chống lão hóa của mình. Nhưng hãy nhớ rằng, sự chủ quan này sẽ khiến nguy cơ lão hóa sớm ngày càng đến gần với bạn. Vì vậy, xây dựng một quy trình chăm sóc da toàn diện, đảm bảo ngăn ngừa chống lão hóa một cách đầy đủ là việc bạn cần làm lúc này.
Bên cạnh việc cấp ẩm thường xuyên cho da, bạn cần bắt đầu dùng các sản phẩm có chứa Retinol – một trong những dạng thường được sử dụng nhất của Vitamin A, giúp ngăn ngừa mụn và lão hóa hữu hiệu. Theo Medical News Today, bạn nên sử dụng Retinol mỗi buổi sáng với nồng độ thấp lúc ban đầu (khoảng 0,01%) để làm quen trước khi tăng hàm lượng lên 0,5 – 1%.
Hơn cả, thập niên này bạn cần tập trung vào các thành phần chống lão hóa như Vitamin C, Vitamin E. Việc sử dụng mỗi ngày các chất chống oxy hóa này, sẽ giúp giảm thiểu các tác động có hại của tia UV, ánh nắng mặt trời, ô nhiễm môi trường lên da và giúp kích thích tái tạo da hiệu quả.
Giai đoạn tuổi từ 35 đến 45
Trong thập kỷ này, cấu trúc của da sẽ dần dần thay đổi. Ở lớp biểu bì, chỉ có một số ít tế bào được định dạng, các tế bào khác co lại còn lớp trên cùng của da thì trở nên mỏng hơn. Cùng với đó, các mô liên kết ở lớp trung bì cũng mất đi cấu trúc sợi, sự giảm hoạt động của tuyến mồ hôi và tuần hoàn mao mạch dưới da. Tất cả khiến làn da của bạn trở nên nhăn nheo, thô ráp và sần sùi hơn, các vùng tăng sắc tố cũng xuất hiện và những vùng da tổn thương lâu lành hơn. Da dễ bị xỉn màu, không giữ được vẻ tươi sáng, săn chắc.
Ở giai đoạn này, bạn vẫn tiếp tục thoa kem dưỡng ẩm cũng như chống nắng hiệu quả. Các sản phẩm chứa các thành phần chống lão hóa như Vitamin C, Vitamin E, Vitamin A vẫn cần được ưu tiên sử dụng. Ngoài ra, bạn cũng nên kiếm tìm các sản chuyên sâu cho da vùng môi và vùng mắt để cải thiện màu sắc da các vùng này cũng như hỗ trợ làm mờ các nếp nhăn.
Bên cạnh đó, một gợi ý cho làn da chảy xệ và nhăn nheo nhiều, đó là một kế hoạch tiêm botox – một chất giúp lấp đầy những rãnh nhăn, hạn chế sự phát triển sâu của các rãnh nhăn trên da.
Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn hãy chăm sóc làn da của mình từ sớm, theo một chu trình đầy đủ với các biện pháp tại chỗ và kết hợp với chế độ sinh hoạt khoa học, chắc chắn chất lượng da cũng đã được cải thiện.
Giai đoạn từ 45 tuổi trở đi
Bạn có thể dễ dàng quan sát thấy những nếp nhăn đủ độ sâu, lỗ chân lông to, các vết tăng sắc tố… hiện diện rõ ràng trên làn da của bạn. Đây cũng là giai đoạn có sự biến động của các Hormone nội tiết trong cơ thể, do đó bạn cần tiếp tục tuân thủ quy trình dưỡng da chuyên sâu trước đây, cấp ẩm và bổ sung nước đều đặn cho da. Bạn cũng có thể cân nhắc tìm đến các liệu pháp xóa nhăn nhanh như tiêm botox, chất làm đầy… nếu có điều kiện.
Hy vọng tất tần tật thông tin về lão hóa da và cách chống lão hóa theo từng độ tuổi trong bài viết trên đây, các bạn đã có thể xây dựng cho mình một lộ trình “chống già” hiệu quả ngay từ bây giờ.